SKĐS – Sốt là một trong những triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ trong thời kỳ mọc răng sữa, nhưng nhiều cha mẹ không phân biệt được trẻ sốt do mọc răng sữa hay sốt do bệnh lý nào khác. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ nhận biết.
Khi nào trẻ sốt mọc răng và cách nhận biết
Trẻ bắt đầu mọc răng sữa thông thường từ 6 tháng tuổi và hoàn thiện đến khi trẻ được 3 tuổi. Tuy nhiên, tùy vào cơ địa của từng trẻ nên có thể mọc răng sớm hơn hoặc muộn hơn, cha mẹ cũng đừng lo lắng quá.
Khi trẻ mọc răng sẽ có các biểu hiện sau:
– Trẻ có biểu hiện sốt: Tùy thuộc vào cơ địa của từng trẻ mà biểu hiện sốt khi mọc răng sẽ có sự khác nhau. Có trường hợp trẻ chỉ bị sốt nhẹ khoảng 37.8 – 38 độ C, thậm chí không sốt. Ngược lại, một số ít trường hợp trẻ có thể sốt cao đến 39 độ C.
– Biểu hiện ở nướu: Khi trẻ mọc răng nếu cha mẹ vệ sinh răng miệng sẽ thấy nướu trẻ sưng to, đỏ, đau, sờ hoặc nhìn thấy mầm răng đang nhú.
– Trẻ ngứa lợi nên rất hay cắn, thích nhai hoặc gặm ngón tay, đồ chơi trong miệng.
– Xuất hiện tình trạng chảy nước dãi nhiều hơn, có thể tràn quanh miệng, cằm, cổ… khiến khu vực này bị phát ban tạm thời.
Ngoài ra, giai đoạn này trẻ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, tính cách, trẻ sẽ hay cáu kỉnh và quấy khóc, trằn trọc khó ngủ, thậm chí bú kém, chán ăn, bỏ ăn (với bé đã ăn dặm). Có trường hợp trẻ đi tiêu phân lỏng khi mọc răng (tướt mọc răng).
Khi nào trẻ sốt mọc răng cần đi khám?
Đây là câu hỏi mà các bậc cha mẹ băn khoăn, nhiều người cho rằng trẻ ở thời kỳ này cứ sốt là rất lo, nhất là kèm theo tình trạng tiêu chảy. Bởi không biết liệu đây có phải là biểu hiện của mọc răng hay không, hay là do các bệnh lý khác.
Vậy, nếu trẻ mọc răng mà có các biểu hiện quấy khóc, trằn trọc, bú kém, ăn ít, bỏ bữa… chỉ kéo dài trong khoảng 2 – 3 ngày trước khi răng mọc lên. Khi răng mọc lên thì các triệu chứng kể trên cũng biến mất. Nhưng nếu trẻ có các dấu hiệu sau, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, vì có thể trẻ bị sốt do bệnh chứ không phải sốt mọc răng:
– Trẻ dưới 3 tháng tuổi và sốt trên 38 độ C.
– Trẻ hơn 3 tháng tuổi và bị sốt 39 độ C hoặc cao hơn.
– Sốt cao liên tục không hạ kèm co giật hoặc tiêu chảy, nôn mửa, phát ban.
– Răng đã nhú lên nhưng các triệu chứng sốt mọc răng vẫn còn và thậm chí nặng hơn.
– Ngủ nhiều, ngủ li bì hoặc quấy khóc không ngừng, không thể dỗ được trẻ.
– Trẻ tiêu chảy kéo dài hơn 5 ngày hoặc có các biểu hiện không đỡ, có máu trong phân.
– Trẻ tụt cân hoặc cân nặng giảm đáng kể (giảm hơn 5% trọng lượng cơ thể trước khi trẻ sốt mọc răng).
Hoặc trẻ có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nặng lên hoặc dấu hiệu mất nước (môi khô, da khô, tiểu ít, khóc không có nước mắt…) cũng cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.
Trẻ sốt mọc răng cần chăm sóc đúng
Khi mọc răng trẻ sẽ sốt, đau nướu nên quấy khóc khó chịu, vì vậy, nếu trẻ sốt cha mẹ cần giảm nhiệt bằng cách lau người bằng nước ấm, tránh dùng nước quá lạnh hay quá nóng. Đồng thời cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, chất liệu vải dễ thấm hút mồ hôi.
Cho trẻ bú hoặc uống nhiều nước để đề phòng mất nước do sốt. Nếu trẻ không bú hoặc không uống được do đau ở nướu thì đút cho trẻ uống bằng thìa. Đối với trẻ còn bú mẹ thì vắt sữa ra rồi dùng thìa đút cho trẻ uống.
Trường hợp trẻ sốt và đau nhiều, lúc này cha mẹ có thể cho trẻ uống Pacetamol nhằm giúp trẻ hạ sốt và giảm đau. Liều lượng khoảng 10 – 15mg/kg cân nặng của trẻ, uống cách nhau 4 – 6h/1 lần. Tuyệt đối không được ủ ấm, đắp thêm chăn, mền, vì như thế sẽ càng làm cho trẻ sốt cao hơn.
– Cha mẹ cần thường xuyên lau sạch nước dãi chảy quanh miệng trẻ bằng khăn mềm để giữ vệ sinh và ngăn ngừa tình trạng phát ban. Nếu trẻ chảy nhiều nước dãi, có thể cho trẻ đeo yếm và thoa kem chống hăm.
– Cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt. Nhớ luôn luôn làm sạch nướu, lợi sau khi cho trẻ bú hoặc ăn. Dùng một miếng gạc hoặc vải mềm nhúng nước sạch quấn quanh ngón tay lau nhẹ nhàng và massage nướu.
– Do trẻ hay ngậm tay và đồ vật, cha mẹ không để trẻ tiếp xúc với những loại đồ chơi, vật dụng sắc cạnh, vì có thể trẻ sẽ nhai và làm tổn thương nướu lợi. Có thể cho trẻ ngậm một vòng bằng silicon để trẻ nhai khi bị ngứa nướu. Lưu ý nên mua tại những cơ sở uy tín đảm bảo chất lượng để trẻ không bị ảnh hưởng sức khỏe.
Tóm lại: Khi trẻ mọc răng thường mệt mỏi, quấy khóc, ít ngủ, vì vậy, nếu không yên tâm cha mẹ có thể đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám. Tuyệt đối không được sử dụng thảo dược, cồn chà xát lên nướu răng hoặc sử dụng các loại gel hay bất kỳ loại thuốc nào để chà vào nướu của trẻ khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.
Trường hợp trẻ đi tiêu phân lỏng (tướt mọc răng), do trẻ tăng tiết nước dãi (nhằm xoa dịu lợi bị sưng) khi nuốt xuống bụng sẽ làm phân loãng hơn, lẫn nhầy nhớt.Đó không phải là tiêu chảy. Các bậc phụ huynh cần nắm rõ các triệu chứng này để biết cần phải làm gì khi trẻ bị sốt và đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.