Các bậc cha mẹ thường quan tâm rất nhiều đến vấn đề chiều cao của con và mong muốn con mình sẽ có một chiều cao lý tưởng khi trưởng thành. Vậy phải làm sao để tăng chiều cao cho trẻ?
Trẻ phát triển được chiều cao do các yếu tố nào?
Chiều cao của trẻ là vấn đề được các bậc cha mẹ đặc biệt quan tâm, điều này dẫn đến tâm lý lo lắng của nhiều cha mẹ, họ đã chia sẻ cho nhau mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng để tăng chiều cao cho con. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của các loại thực phẩm hỗ trợ tăng chiều cao ra sao thì không phải cha mẹ nào cũng hiểu.
Như chị Minh H. mẹ của bé N.Đ.M., 10 tuổi, cân nặng 29 kg, cao 118 cm, so với bạn bè thì bé M thấp hơn chút ít, được giới thiệu các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ giúp trẻ tăng chiều cao “thần kỳ”, chị H đã nhờ người nhà ở nước ngoài mua hộ các loại thực phẩm chức năng giúp tăng trưởng chiều cao cho con mình uống. Tuy nhiên, sau khi uống 3 tháng thấy tình trạng chiều cao của con không được cải thiện như mong muốn, chị H đã đưa con đến Viện Dinh dưỡng để khám.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp quá lo lắng về việc con bị thấp lùn, tin lời quảng cáo về các thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng chiều cao cho trẻ.
Trên thực tế, để trẻ phát triển được chiều cao phụ thuộc vào các yếu tố, trong đó có:
– Yếu tố gene
Đây là yếu tố chiếm vai trò quan trọng và có thể thay đổi qua nhiều thế hệ, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chưa ảnh hưởng do gene. Do đó, cha mẹ phải chú ý chăm sóc trẻ để tăng trưởng chiều cao trong 5 năm đầu.
– Giới tính
Yếu tố giới tính cũng có ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ, thường nam giới sẽ cao hơn nữ giới.
– Chế độ ăn
Chế độ ăn là yếu tố chiếm vai trò quan trọng và là yếu tố có thể can thiệp được nhằm tối ưu chiều cao được quy định bởi yếu tố gene. Nếu có một chế độ dinh dưỡng tốt, cân bằng, khoa học thì trẻ sẽ đạt được chiều cao tối đa và thực tế cho thấy phần lớn là do dinh dưỡng quyết định.
– Vận động và giấc ngủ
Hoạt động thể chất và giấc ngủ của trẻ là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao. Nếu trẻ thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất, ngủ đủ giấc… cũng sẽ giúp phát triển chiều cao tối đa.
– Yếu tố khác bao gồm môi trường sống, bệnh tật… nghĩa là môi trường sống sạch sẽ, thoáng đãng, ít bệnh tật, không phải sử dụng đến các dược phẩm, nhất là kháng sinh, sẽ giúp trẻ phát triển thể chất tối ưu. Ngược lại nếu môi trường ô nhiễm, trẻ dễ mắc các bệnh cần phải can thiệp, sử dụng thuốc điều trị, nhất là kháng sinh, cũng sẽ ảnh hưởng đến tầm vóc của trẻ.
Để trẻ không bị thấp lùn, phát triển được chiều cao, cha mẹ phải làm gì?
Có 3 giai đoạn mà cơ thể tăng trưởng rất nhanh về chiều cao ở trẻ, trong đó là:
– Thời kỳ bào thai.
– Thời kỳ từ sơ sinh đến 3 tuổi.
– Thời kỳ tiền dậy thì.
Các thời kỳ này còn gọi là 3 thời kỳ vàng để phát triển chiều cao ở trẻ, vì vậy để trẻ phát triển chiều cao, cha mẹ cần nắm rõ và tác động vào 3 yếu tố chính liên quan đến phát triển chiều cao của trẻ.
Cụ thể, cha mẹ cần chú ý đến các vấn đề sau:
Chế độ ăn đúng giúp trẻ tăng trưởng chiều cao
Chế độ ăn là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến không chỉ phát triển chiều cao, mà còn tới thể chất, trí tuệ của trẻ.
Chế độ ăn đủ dinh dưỡng cần được quan tâm ngay từ khi người mẹ mang thai. Khi sinh ra, mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, vì sữa mẹ giúp trẻ tăng chiều cao tốt hơn sữa công thức.
Ở giai đoạn trẻ ăn dặm và sau đó, trẻ cần có một chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng. Các bữa ăn bổ sung hàng ngày cần đầy đủ 4 nhóm chất là đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất, lưu ý bữa ăn phải phong phú chủng loại thực phẩm.
Chất đạm đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc cơ thể, đặc biệt là các chất đạm động vật với đầy đủ các axit amin cần thiết. Chất béo rất quan trọng trong sự phát triển các xương dài của trẻ khi còn nhỏ, đồng thời chất béo còn giúp tăng cường hấp thu các vitamin tan trong dầu (vitamin A, D…) giúp hệ xương phát triển tốt.
Trẻ cần được bổ sung đủ các thực phẩm chứa các khoáng chất thiết yếu như: Canxi, kẽm, magie, DHA… có trong các thực phẩm như: Tôm, cua, cá, tép, ốc, trứng gà, sữa, sữa chua, phô mai… Nếu dinh dưỡng tốt cơ thể sẽ được cung cấp đầy đủ canxi, phospho, quá trình cốt hóa được bắt đầu giúp xương phát triển dài và to ra.
Vận động thể lực ở trẻ sao cho đúng
Vận động thể lực thường xuyên, nhất là tham gia các hoạt động ngoài trời là yếu tố quan trọng không kém việc bổ sung dinh dưỡng.
Muốn cơ thể phát triển tốt, khỏe mạnh, có chiều cao như ý muốn, cha mẹ cần tạo thói quen tập luyện thể dục thể thao ngay từ khi trẻ còn nhỏ, với các bài tập phù hợp theo từng lứa tuổi.
Ở trẻ cần duy trì các bài tập nhảy cao, nhảy xa, đánh xà, bơi… nhằm vươn dài người, kéo căng cơ, kích thích cột sống và các xương phát triển. Vận động thể dục ở trẻ sẽ kích thích, đẩy mạnh quá trình chuyển hóa năng lượng, trao đổi chất, thúc đẩy tăng trưởng cơ thể, tăng cường lượng canxi vào mô xương, giúp xương vững chắc và phát triển tốt hơn.
Theo nghiên cứu, nếu trẻ luyện tập với cường độ cao, kéo dài 1,5 – 2 giờ/ngày có thể làm tăng GH lên 3 lần. Việc tập luyện thể dục thể thao vào ban ngày còn giúp tăng GH vào ban đêm. Tuy nhiên, việc luyện tập cần được duy trì điều độ, tăng dần cường độ theo thời gian, nếu chỉ luyện tập nhẹ nhàng trong một thời gian ngắn, hay luyện tập nặng quá lâu, sẽ không thúc đẩy được phát triển chiều cao. Do đó, để giúp trẻ phát triển chiều cao, cha mẹ cần hướng dẫn và tạo cho con thói quen tập thể dục hàng ngày với những bài thể dục vừa sức, phù hợp với độ tuổi của trẻ. Tốt nhất nên có sự tư vấn của bác sĩ, để việc tập thể dục đạt hiệu quả, phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Giấc ngủ rất quan trọng với chiều cao
Giấc ngủ cũng là một phần rất quan trọng, vì quá trình phát triển chiều dài xương chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Các nhà khoa học ở Hoa Kỳ thấy rằng 90% sự phát triển của xương diễn ra vào lúc ngủ hoặc nghỉ ngơi, thiếu ngủ hoặc thức trắng đêm sẽ làm ảnh hưởng đến phát triển chiều cao. Ngủ ngon, ngủ sâu sẽ giúp cơ thể tiết hormone tăng trưởng, giúp tăng hấp thu canxi, kích thích xương dài ra và phát triển thể chất toàn diện. Số giờ ngủ tùy nhu cầu của mỗi lứa tuổi, song nhìn chung trẻ cần ngủ trên 8 giờ một ngày.
Tóm lại: Muốn trẻ tăng chiều cao đạt chuẩn thì ở mỗi độ tuổi, thời kỳ có sự phát triển khác nhau. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống, tập luyện, giấc ngủ… không được áp dụng chế độ ăn kiêng. Đối với trường hợp lo lắng trẻ tăng cân hơn, cha mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ, để có những điều chỉnh phù hợp cho đến khi trẻ trưởng thành. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ bổ sung, uống thực phẩm chức năng để tăng chiều cao khi chưa có sự tham vấn của bác sĩ.